Những sai lầm thường gặp khi sử dụng xe ga (kỳ 1)
Xe tay ga (xe ga) nếu không sử dụng đúng cách sẽ dẫn tới những hư hỏng cho xe cũng như mất an toàn trong quá trình vận hành. Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi sử dụng xe ga.
1. “Chạy rốt-đa xe mới tại chỗ”
Từ trước tới nay, nhiều người cho rằng khi mua xe mới là phải chạy rốt đa tại chỗ để động cơ xe được bền hơn. Vì thế, họ đã cho xe chạy không tải khoảng 2 giờ trước khi sử dụng bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia kỹ thuật của Piaggio Việt Nam khuyến cáo, các loại xe mới của hầu hết các hãng hiện nay đều không cần thiết phải chạy rốt-đa tại chỗ, bởi các chi tiết động cơ đã được nhà sản xuất chế tạo chính xác và đã chạy thử trước khi xe xuất xưởng.
Việc chạy rốt-đa chỉ thực hiện khi xe vận hành trong thời gian đầu, và không phải chạy tại chỗ. Trong giai đoạn từ 0 – 1.000 km đầu tiên, động cơ còn mới nên các chi tiết tiếp xúc chuyển động tương đối sẽ rà khít với nhau và tạo khe hở hoạt động chính xác, nên cần tránh việc hoạt động hết ga liên tục, chạy quá tải, hoặc bất cứ điều gì có thể làm cho động cơ bị quá nhiệt.
Cụ thể, từ 0 – 150 km: cần tránh vận hành xe liên tục quá 1/3 độ mở tay ga; sau một giờ vận hành xe liên tục, nên cho xe nghỉ từ 5 – 10 phút để động cơ nguội đi tự nhiên; nên thay đổi tốc độ động cơ bằng cách vận hành tay ga, không nên giữ nguyên tay ga ở 1 vị trí. Từ 150 – 500 km: tránh vận hành xe liên tục quá 1/2 độ mở tay ga; nên thay đổi tốc độ động cơ bằng cách vận hành tay ga, nhưng không chạy hết ga (từ 500 – 1.000 km đầu tiên, phải thay dầu động cơ, dầu nhớt bộ truyền cuối (dầu cầu) (đối với xe ga), vệ sinh lọc dầu (loại lọc dạng lưới). Từ 500 – 1.000 km: nên tránh vận hành xe liên tục quá 3/4 độ mở tay ga; thay đổi tốc độ động cơ bằng cách vận hành tay ga, nhưng không chạy hết ga…
2. Đề nổ máy và vận hành ngay
Giống như xe số, chủ của những chiếc xe tay ga cũng luôn mắc phải thói quen này. Tuy nhiên, đối với xe tay ga, thói quen này có sức “tàn phá” lớn hơn nhiều. Thông thường, xe tay ga luôn có vòng tua máy cao hơn so với kiểu xe số. Chính vì vậy tại thời điểm khởi động, nếu không áp dụng phương pháp nổ galanti chờ ban đầu, những tiếng động lách cách hoặc thậm chí “rào rào” phát ra từ hệ thống supap của động cơ sẽ khiến chủ xe phải tốn khoản tiền khá lớn để khiến chiếc xe nổ êm trở lại.
3. Lạm dụng phanh trước
Với thói quen thuận tay phải, rất nhiều chủ xe quen thực hiện thao tác bóp phanh trước khi bị giật mình. Việc sử dụng phanh trước với xe ga xảy đến rất nhiều nguy hiểm do đường kính vành xe nhỏ, hành trình giảm xóc ngắn. Hãy luôn sử dụng đồng thời hai phanh sau và trước để đảm bảo an toàn nhất. Trên một số loại xe ga đời mới, hệ thống phanh đồng thời CBS luôn cho phép người sử dụng chỉ cần dùng một phanh trái là có thể dừng xe bằng cả hai phanh.
4. Xe ga như đi… xe số
Thực hiện những cú “ga thốc” cho xe vọt nhanh rồi sau đó phanh gấp sẽ khiến cụm côn ly hợp và dây cô roa truyền động nhanh bị hỏng hơn. Ngoài ra, khi thực hiện kiểu “ga thốc” và phanh liên tục cũng đồng nghĩa với việc bạn đang “ném” từng “cốc” xăng của mình đi một cách vô ích. Khi thốc ga, chiếc xe cung cấp cho bạn một gia tốc lớn và mạnh để có thể di chuyển dài hơn. Thế nhưng khi bóp phanh gấp, xe giảm tốc độ đột ngột khiến bạn sẽ phải tiếp tục “nạp” một lượng xăng tương ứng để đi tiếp. Hãy luôn giữ tốc độ và tay ga được đều nhất có thể, điều này sẽ mang lại độ bền cho bộ ly hợp, dây cua-roa và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Lái xe an toàn
5. Không vệ sinh phao xăng
Đối với nhiều chiếc xe tay ga đời mới, nhiều xe như Honda SH, Honda SCR… đều sử dụng kiểu phao xăng được thiết kế kèm theo một lưới lọc hình “chiếc lá” bao bọc lấy ống hút xăng. Cụm phao xăng nằm ngâm ngay trong bình chứa nhiên liệu. Rất nhiều chủ xe đã bỏ qua chi tiết này khi tiến hành bảo dưỡng cũng như khi sử dụng. Điều này khiến cho tấm lưới lọc sau một thời gian sử dụng sẽ xảy ra hiện tượng mạt sắt và chất bẩn bám chặt vào lọc xăng dẫn tới tắc ống hút xăng, hỏng bơm xăng, hoặc “nhẹ nhàng” hơn là khiến chiếc xe không đạt được công suất và tốc độ tối đa do thiếu xăng. Vì vậy hãy luôn kiểm tra phao xăng vào những kỳ bảo dưỡng toàn bộ để chiếc xe có thể vận hành được tốt hơn.
6. Không chờ đèn tín hiệu phun xăng FI tắt đã khởi động
Mang lại khả năng tiết kiệm nhiên liệu và vận hành êm ái, phun xăng điện tử mang lại nhiều ưu việt hơn loại chế hòa khí (bình xăng con) thông thường. Tuy nhiên, hệ thống phun xăng điện tử cũng cần phải được sử dụng đúng cách mới có thể vận hành tốt. Chính vì vậy, sau khi bật khóa điện, hãy chú ý chờ đèn tín hiệu FI tắt rồi hẵng bấm nút khởi động. Nếu làm đúng cách này, hệ thống bơm nhiên liệu sẽ có thời gian nạp đủ nhiên liệu vào vòi bơm. Đồng thời hệ thống phun xăng cũng có khoảng thời gian để hoàn tất khâu khởi động nhằm phun nhiên liệu được chính xác và bền hơn. Còn nếu làm ngược lại cách này, hệ thống bơm nhiên liệu sẽ rất dễ bị hỏng. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý việc bảo dưỡng làm sạch kim phun định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.